Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

Bắt học sinh chép phạt có còn thực sự hữu dụng?

Không thuộc bài: chép phạt, làm bài sai: chép phạt, đi trễ: chép phạt nội quy… Việc lạm dụng hình phạt này trong trường học đã không còn giữ được hiệu quả giáo dục ý thức học sinh như mục đích ban đầu; ngược lại, chép phạt càng khiến các em trơ lì, ức chế.

Đã là học sinh mấy ai chẳng từng bị chép phạt hoặc thấy chúng bạn “đau khổ” vì hình phạt này. Được biết, chép phạt không cá biệt ở một vài trường mà mang tính phổ biến. Bất kể độ dài ngắn, nhiều giáo viên bắt học sinh chép phạt 10, 20 lần thậm chí lên 50, 100 lần nếu không biết hối cãi. Vô tình thầy cô biến học trò của mình thành cái máy chép và hình phạt này ảnh hưởng rất xấu đến việc học của các em. Nguyễn Thị Tuyên, học lớp 10 tại một trường tư thục trên địa bàn huyện Xuân Lộc cho hay: “ Tụi em rất ghét bị chép phạt, nhiều đứa bạn em tìm mọi cách để đối phó như: Nhờ hay thuê chép giùm, nghỉ học tiết đó…nói chung là hai từ “chép phạt” ám ảnh tụi em ghê lắm. Đã là học sinh ai mà không một lần không thuộc bài hay mắc lỗi. Mà cứ không thuộc bài lần đầu thì chép phạt, lần thứ hai trở đi thì vừa chép phạt vừa mời phụ huynh, oải lắm…”.

Chép phạt như máy móc, hiệu quả ở đâu?


Thường xuyên bị áp dụng hình phạt này nhiều học sinh ao ước thà bị điểm 0 còn sướng hơn chép phạt. Bên cạnh đó đâu phải học sinh nào cũng có điều kiện gia đình khá giả, nhiều em sau giờ học còn phải lao động phụ giúp gia đình, nhưng khi “ bị” dính hình phạt này thì phải thức đêm thức hôm để chép phạt dẫn đến không có thời gian để học những môn khác mà môn phải chép phạt lại cũng chẳng nhớ gì vì vậy vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp tục. Cũng có nhiều học sinh tìm cách đối phó với hình phạt này bằng cách nhờ hoặc thuê người chép hộ còn bản thân thì làm việc khác…Nhận định về việc giáo viên đang biến học sinh thành những cái “máy chép”, TS Võ Văn Nam, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nói: “Chép để học cho mau thuộc thì có thể chấp nhận, còn chép phạt, chép trả nợ thì không nên. Làm như vậy chẳng những không tác dụng mà còn ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách của học sinh bởi những ám ảnh của hình phạt.

Bắt học sinh chép phạt cũng là một hình thức bạo lực tinh thần. Chúng ta đang ra sức chống bạo lực học đường thì không thể chấp nhận việc làm đó. Chép phạt chỉ khiến học sinh khiếp sợ chứ không có tác dụng giáo dục. Điều cần làm là giúp học sinh nhận ra lỗi lầm mà quyết tâm sửa chữa”.Có ý kiến cho rằng chép phạt chứng tỏ sự thất bại của người dạy đối với người học, hay chính xác hơn, là do giáo viên thiếu năng lực, phương pháp sư phạm.Ngay cả trong đội ngũ giáo viên cũng không tán thành đồng nghiệp của mình bắt học sinh chép phạt. cô Trần Thủy Bình giáo viên trường THCS Xuân Hòa – Xuân Lộc – Đồng Nai nói: “Chép phạt liên tu bất tận không giúp các em nhớ bài mà ngược lại còn khiến học sinh chán ghét môn học và chán ghét luôn cả người dạy mà điều này lại ảnh hưởng rất xấu đến tinh thần học tập của các em”. Cô Hồ Thị Kim Nhung – giáo viên dạy văn trường THPT Xuân Lộc – Đồng Nai chia sẻ: “Ở các môn học xã hội, nếu bắt học sinh chép phạt thì chỉ tốn thời gian, công sức mà không có tác dụng gì. Muốn học sinh nhớ bài thì phải giúp các em tạo ra dàn ý của bài rồi học theo những ý chính đó.

Ở các môn tự nhiên hay tiếng Anh, việc chép ra giấy sẽ phần nào giúp các em nhớ được từ vựng, mẫu câu, hay các công thức, nhưng chỉ tác dụng khi các em làm việc ấy với tinh thần tự giác chứ không phải là để “trả nợ”. Khi phải tốn nhiều thời gian và công sức cho việc chép phạt thì các em sẽ không còn thời gian cho những môn khác! Riêng mình, nếu học sinh không thuộc bài mình sẽ tìm hiểu hoàn cảnh và giúp đỡ khuyến khích các em vì mình cũng đã từng là học trò và rất ghét bị chép phạt vì vậy mình tuyệt đối nói “ không” với chép phạt. Mình tin nếu mình thực sự nhiệt tình, thực sự yêu thương thì học sinh sẽ cảm nhận được, từ đó sẽ có những chuyển biến trong nhận thức để học tập tốt hơn”.

Thiết nghĩ có nên duy trì hình thức phạt này trong sự nghiệp giáo dục của chúng ta? Và hình thức này có còn phát huy tác dụng như bản thân ban đầu nó vốn có? Nền giáo dục của nước ta đang ngày càng phát triển, giáo viên nên trau dồi, rèn luyện kiến thức và nghiệp vụ sư phạm của mình, đồng thời nên gần gũi tìm hiểu chia sẻ tâm tư nguyện vọng với học sinh, biết khen thưởng khích lệ kịp thời, hãy là “ mẹ hiền” của các em… thay vì nhăm nhăm các hình thức trừng phạt..


TN 
Nguồn tin: dvhnn.org.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét